Email: hetecvietnam@gmail.com - Quảng cáo: Liên Hệ - Hotline: 024 6680 6799
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghiên cứu và Trao đổi

Chuyên gia giải đáp thắc mắc về tăng huyết áp

18/09/2021
Tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến và thường tỉ lệ thuận với độ tuổi. Cao huyết áp có thể gây tử vong và nhiều di chứng nặng nề như hôn mê, liệt nửa người. Dưới đây, PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội sẽ giải đáp những thắc mắc về bệnh tăng huyết áp.

Câu hỏi: Tôi bị tăng huyết áp, do công việc phải thức đêm nên hạ được 169-150 mmHg, đợt không làm đêm thì hạ 140-130 mmHg. Chỉ số này có tốt?

Huyết áp được tạo bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có sức bóp của cơ tim và sức căng của thành mạch. Huyết áp có 2 con số gồm: số trên (huyết áp tâm thu), số dưới (huyết áp tâm trương). Bị tăng huyết áp khi huyết áp của bạn đo nhiều lần, thường xuyên mà huyết áp tâm thu (số trên) từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm trương (số dưới) từ 90 mmHg trở lên. Thường nhiều lần đo như vậy là bị tăng huyết áp.

Huyết áp cao sẽ khiến cho quả tim làm việc nhiều hơn, áp lực lên thành mạch nhiều hơn và dần lâu như vậy sẽ làm cho quả tim làm việc nhiều, dẫn đến suy tim. Thành mạch căng sẽ bị tổn thương, gây xơ vữa, dần nhiều năm gây tổn thương, dẫn đến các biến chứng của bệnh.

Vì vậy, chúng ta cần điều trị tăng huyết áp. Tức là dùng các biện pháp bằng thuốc và không thuốc để hạ huyết áp về mức bình thường (mức huyết áp đích). Đích tức là đưa huyết áp tâm thu xuống dưới 140 mmHg và tâm trương là dưới 90 mmHg. Đây là huyết áp đo ở cơ sở y tế. Còn nếu ở nhà thì huyết áp luôn thấp hơn lúc đo ở cơ sở y tế. Khi đó huyết áp tâm thu ở nhà là 135 mmHg và huyết áp tâm trương là 85 mmHg đã gọi là tăng huyết áp rồi. Vậy thì ở nhà, huyết áp đo thường xuyên phải 130 mmHg (số trên) và 80 mmHg (số dưới) là đạt được đích điều chỉnh.

Trường hợp của bạn, nếu làm đêm nhiều, cuộc sống căng thẳng thì chỉ số huyết áp mà bạn đưa ra là không đạt đích. Vậy, bạn phải theo dõi thường xuyên hơn. Nếu không thay đổi được lịch làm việc, vẫn cứ phải làm đêm nhiều, có thể phải uống thuốc vào buổi tối trước khi đi làm đêm để xem huyết áp tốt hơn không. Nếu đổi cách mà huyết áp không tốt thì phải thêm một viên thuốc nữa để hạ con số huyết áp về đích như tôi nói ở trên.

Câu hỏi: Tôi bị cao huyết áp và có uống thuốc hàng ngày được 2 năm. 3 tháng gần đây huyết áp 120/80 mmHg thì có cần tiếp tục uống thuốc?

Tăng huyết áp là một bệnh mãn tính. Khác với những bệnh khác, bệnh này không tìm được nguyên nhân cụ thể, mà nó liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ. Yếu tố này nếu có sẽ dễ mắc bệnh hơn người bình thường.

Yếu tố nguy cơ gồm gen di truyền, tuổi ngày càng cao... Những yếu tố này không thay đổi được. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố liên quan đến lối sống mà bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh như ăn quá mặn, ăn ít rau, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng, lo âu, ít hoạt động thể chất... Những điều này khiến bạn không thể kiểm soát tốt huyết áp, do vậy phải nhờ vào thuốc để hỗ trợ kiểm soát con số huyết áp ổn định.

Nếu thuốc bạn đang uống thuốc giúp đưa về con số huyết áp trở về bình thường, thì vẫn tiếp tục uống hàng ngày, kèm theo các thay đổi về lối sống để đảm bảo huyết áp luôn ở mức ổn định.

Câu hỏi: Bố tôi bị cao huyết áp, dạo gần đây có triệu chứng nói lắp, khó nói. Có phải là dấu hiệu của tai biến do cao huyết áp?

Nếu bị tăng huyết áp mà để càng lâu nhưng không được kiểm soát sẽ dẫn đến các tổn thương về các thành mạch máu và tổn thương cơ tim.

Với tổn thương thành mạch máu thì giai đoạn đầu sẽ tổn thương nội mạc trong thành mạch, dần hình thành các mảng xơ vữa. Tăng huyết áp kết hợp rối loạn mỡ máu, tiểu đường càng hình thành nhiều mảng xơ vữa. Khi có mãng xơ vữa sẽ dễ dẫn đến việc đứt mảng xơ vữa gây ra các biến chứng.

Nếu mảng xơ vữa xảy ra với các mạch não sẽ gây ra các biến chứng gọi là tai biến mạch máu não. Khi đứt gãy mảng xơ vữa, gây tắc mạch máu não, thì vùng não đó sẽ bị tồn thương, gây ra các tai biến mạch máu não.

Triệu chứng của tai biến mạch máu não nhẹ có thể là các cơ vận động yếu, liệt chân tay, thường hay bị nửa người, méo miệng; đang nói chuyện bình thường, tự nhiên sau đó nói lắp, nói khó vì trung tâm vận ngôn đã bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có người tự nhiên không nhìn được thoáng qua cũng là triệu chứng của tai biến mạch máu não.

Nếu bố bạn đột ngột nói lắp, nói khó vẫn phải cảnh giác vì đây có thể là một triệu chứng của tai biến mạch máu não. Nó có thể chỉ thể hiện về ngôn ngữ mà không phải là vận động vì tùy theo vùng mà não chi phối bị tổn thương. Bạn cần đưa bố đi khám để bác sĩ có thể phát hiện, đánh giá kỹ hơn tình trạng bệnh.

Theo Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng

https://suckhoecongdongonline.vn/chuyen-gia-giai-dap-thac-mac-ve-tang-huyet-ap-d230661.html

Tin cùng chuyên mục


Cơ quan chủ quản: LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

Giấy phép số: 215/GP-TTĐT do Cục PTTH&TTĐT - Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 18/11/2020

Cơ quan quản lý & vận hành: Viện Công nghệ và Sức khỏe

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;          Email: hetecvietnam@gmail.com

Chịu trách nhiệm về nội dung/ Chủ tịch hội đồng biên tập: Tiến sĩ Lê Hữu Thi