Lý giải về mặt khoa học, mưa là một hiện tượng tự nhiên, xảy ra do sự ngưng tụ của hơi nước trên bầu trời, dưới dạng những đám mây, khi gặp điều kiện thích hợp, tạo thành giọt nước, nặng hơn không khí, và rơi xuống mặt đất, tạo thành cơn mưa.
Những giọt mưa rơi xuống sẽ cuốn theo các bụi bẩn, vi khuẩn lơ lửng trong không khí, chất gây ô nhiễm có trong bầu khí quyển, làm sạch khí quyển nơi nó đi qua nên sau khi mưa không khí trở nên rất trong sạch hơn.
Hình minh họa.
Theo các nhà nghiên cứu, trong nước mưa có chứa axit do trong quá trình rơi xuống cuốn theo các khí độc SO2, H2S, NOx có trong khí quyển tạo ra các axit HNO3, H2SO4. Nước mưa ngoài có thành phần là nước còn có các tạp chất điển hình như là bụi bẩn, vi khuẩn, axit và những tạp chất khác tùy vào nơi nó đi qua.
Đặc biệt, nước mưa ở các khu công ngiệp sẽ cực kỳ nhiều tạp chất và chất bẩn. Do đó, người dân không nên hứng nước mưa để sử dụng nếu như không có các thiết bị lọc sạch.
Ngoài ra nước mưa không chứa hoặc chứa rất ít sắt và cũng không có các khoáng chất nên không hề có vị mùi tanh, có vị ngọt khi uống.
Hầu hết các loại nước mưa là không sạch nên khi dầm mưa có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Dưới đây là một số nhóm bệnh có thể xảy ra nếu dầm mưa:
1. Cảm lạnh:
Việc dầm mưa sẽ khiến khí lạnh xâm nhập vào cơ thể đột ngột thông qua các lỗ chân lông khiến cơ thể không kịp thích nghi và dễ gây ra cảm lạnh. Nước mưa thường mang theo nhiều chất độc hại, đặc biệt là sau những trận nắng gắt. Những người cơ địa nhạy cảm hoặc đề kháng yếu dễ mắc bệnh hô hấp, cảm lạnh. Để bảo vệ cơ thể khi đi mưa về, bạn nên lưu ý giữ ấm và tăng miễn dịch cho cơ thể.
Hình minh họa.
Trả lời trên VnExpress, bác sĩ Trịnh Ngọc Bình (Bệnh viện Chợ Rẫy), giữ ấm cơ thể là lưu ý quan trọng nhất khi ướt, dính, ngấm nước mưa. Nhiều người có thói quen đi mưa về liền tắm nước nóng ngay. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột sẽ làm cơ thể dễ mắc bệnh hơn.
Về đến nhà, bạn cần lau khô người, nghỉ ngơi, giữ thân nhiệt ổn định, khi thấy người hết lạnh mới nên đi tắm. Ngoài ra, có thể uống trà gừng để tăng thân nhiệt; ăn hoa quả giàu vitamin C như cam, chanh… để tăng đề kháng.
2. Nấm đầu
Khi bạn dầm mưa, tóc và da đầu sẽ ở tình trạng ẩm ướt kéo dài, các vi khuẩn có hại như nấm Trichophiton rất dễ sinh sản. Chúng sẽ khiến bạn bị nấm da đầu, bên cạnh đó tóc cũng sẽ hư hại rất nhiều.
Một vài triệu chứng có thể xuất hiện sau khi bạn dầm mưa đó là ngứa da đầu, xuất hiện vảy gầu, tóc bết lại, xơ và che ngọn nhiều hơn.
Do đó, sau khi dầm mưa, bạn nên thay quần áo, lau khô tóc và nghỉ ngơi. Sau đó hãy tắm gội bằng nước ấm để làm sạch cơ thể và mái tóc.
3. Nhiễm khuẩn da
Nước mưa rơi xuống những môi trường độc hại xung quanh chúng ta nên cũng bị nhiễm độc. Hàm lượng axit trong nước mưa tăng cao do các chất độc hại trong không khí lẫn vào. Tiếp xúc với nước mưa lâu các chất độc hại này sẽ ngấm vào da. Khiến chúng ta cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Dầm mưa nhiều hay để lâu không chữa có thể dẫn đến viêm da mủ, nhiễm khuẩn da, nấm da hay lở loét.
Trả lời trên báo CAND, bác sĩ CKI. Hoàng Văn Minh – Phòng khám Da liễu Bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết:
Khi mưa phùn, mưa ít, các chất độc sẽ tồn tại trong không khí với nồng độ cao theo nước mưa rơi xuống và bám trên da làm kích ứng ngoài da gây ra tình trạng chàm tiếp xúc. Biểu hiện bệnh làm da đỏ lên và ngứa, nếu nặng hơn sẽ xuất hiện các mụn nước.
Bác sĩ cũng cho biết thói quen sử dụng quần áo mưa sẽ gây ra các bệnh về da nhiều hơn khi sử dụng ô dù để tránh mưa. Bởi khi đi dưới mưa, những phần cơ thể tiếp xúc với áo mưa hoặc áo mưa che phủ sẽ bị nóng nực và ẩm ướt. Nếu dầm mưa quá lâu, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi làm cho vùng da tại đó bị ẩm ướt. Do đó, những người có sẵn bệnh lý nấm, ghẻ,… sẽ làm bệnh nặng hơn, gây ra tình trạng ngứa ngáy rất nhiều thậm chí lan ra những vùng khác trên cơ thể.
Đối với những người béo phì thì sẽ dễ bị viêm kẽ hoặc hăm kẽ, nếp dưới vú, nách, bẹn. Hơn nữa, nếu trường hợp phải dầm mưa lâu, vùng da ở bàn chân sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt là trong trường hợp người bệnh mang giày bít, vớ bằng len ướt, ẩm sẽ dẫn đến bùng phát nhanh tình trạng nấm kẽ ở bàn chân. Hoặc gây ra tình trạng nhiễm trùng bội nhiễm trên những người bệnh có sẵn các bệnh lý như chàm ở bàn chân, ở người bị bàn chân đái tháo đường, người bị bệnh viêm mạch hoại tử ở chân.
Trên đây là những tác hại của việc dầm mưa, hãy cẩn trọng và tìm cách trú mưa để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra như nêu trên.
Theo Huyền Trang/Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng
https://suckhoecongdongonline.vn/nhung-tac-hai-khung-khiep-cua-viec-dam-mua-tam-mua-doi-voi-suc-khoe-d210224.html