Email: hetecvietnam@gmail.com - Quảng cáo: Liên Hệ - Hotline: 024 6680 6799
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Tin tức

Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

19/09/2022
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, mang lại hiệu quả và sự tiện lợi cho người dân.

Nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính

Thành phố tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)… theo tinh thần tôn trọng, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Một loạt mô hình mới được ra mắt tại các phường, quận trên địa bàn thành phố nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính. Tháng 7 vừa qua, UBND phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, ra mắt mô hình giải quyết thủ tục hành chính “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ”.  

Để đảm bảo nguyên tắc “5 tại chỗ”, UBND phường đã bố trí lực lượng dân quân sẵn sàng làm công tác luân chuyển hồ sơ trình lãnh đạo ký, phê duyệt trong trường hợp các đồng chí lãnh đạo UBND phường bởi lý do khách quan không có mặt tại UBND phường như tham gia các cuộc họp, các chương trình đào tạo, tập huấn…

Bên cạnh triển khai mô hình tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính, với mong muốn đồng hành cùng người dân thụ hưởng trọn vẹn lợi ích do dịch vụ công mang lại, tới đây, UBND phường sẽ tiếp tục xây dựng, vận hành điểm kê khai đăng ký dịch vụ công trực tuyến tại Nhà sinh hoạt cộng đồng địa bàn dân cư số 13 là khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư của phường.

Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc Nguyễn Anh Dũng cho biết, tập thể cán bộ công chức phường Vĩnh Phúc luôn tin tưởng, với tinh thần sẵn sàng phục vụ, đặt mình vào vị trí của người dân để thấu hiểu, mô hình “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” sẽ đạt được hiệu quả cao, mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Với sự kỳ vọng và quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, mong muốn, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ và đồng hành của đội ngũ cán bộ cơ sở cùng toàn thể nhân dân phường Vĩnh Phúc.

Bộ phận một cửa phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình 

Còn tại quận Hoàng Mai, tháng 8 vừa qua quận đã tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính trên địa bàn nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện TTHC tại UBND quận, tại UBND các phường thuộc quận. Đồng thời, UBND quận cũng sẽ tiếp nhận ý kiến đánh giá của các tổ chức, các nhân về thái độ làm việc, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức khi giải quyết TTHC. Đặc biệt là những đóng góp của các cá nhân, tổ chức để tìm kiếm sáng kiến, giải pháp, mô hình cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, công tác CCHC nói chung, cải cách TTHC nói riêng luôn được Quận ủy, UBND quận quan tâm chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của quận từ nhiều năm nay, thông qua đó, nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Quận sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình nội bộ giải quyết TTHC, nhất là các thủ tục liên thông, đảm bảo rõ thời gian, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong từng bước của quy trình giải quyết TTHC; đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Con người là mấu chốt của cải cách thủ tục hành chính

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, trong thời gian qua, cùng với việc tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách TTHC, thành phố Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo hướng: “Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì phân cấp ủy quyền cho cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian giải quyết TTHC”.

Với thần đó, ngày 12.9 vừa qua, trên cơ sở Tờ trình của UBND Thành phố, HĐND thành phố Hà Nội đã phê chuẩn Đề án của thành phố về phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước và ủy quyền đối với TTHC. Theo đó, Thành phố đã phân cấp 10 lĩnh vực quản lý nhà nước cho các quận, huyện và ủy quyền một số nhiệm vụ của Thành phố thực hiện xuống cho các quận và các huyện có đủ điều kiện về con người, đủ điều kiện về nguồn lực, bộ máy. Ví dụ như xây dựng trường THPT hiện Thành phố đã ủy quyền phân cấp cho quận, huyện.

Chủ tịch Hà Nội khẳng định con người là mấu chốt của cải cách hành chính 

HĐND Thành phố cũng đã phê chuẩn việc Thành phố ủy quyền 638 TTHC cho cấp quận, huyện. Như vậy, đến nay, Thành phố đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Đã đề xuất phân cấp, ủy quyền 700 TTHC, đạt tỷ lệ 39,17% tổng số TTHC cấp Thành phố và cấp huyện (Thủ tướng Chính phủ giao 20%). Cùng với đó, nhiều đơn vị triển khai sáng kiến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước như: Mô hình “Ngày Thứ 6 xanh”, “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” trong giải quyết TTHC và nhiều giải pháp thiết thực đang được triển khai thực hiện hiệu quả.

Về cắt giảm TTHC, Thành phố đã đạt 31,3%, vượt trên mức Thủ tướng Chính phủ giao (20%). Thành phố cũng đã kết nối với hệ thống quản lý, theo dõi nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ phân công cho các tỉnh, thành phố. Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ giao 44 nhiệm vụ, hiện, Thành phố đã hoàn thành 2/44 nhiệm vụ đúng hạn, các nhiệm vụ còn lại đang triển khai.  

Đối với triển khai Đề án 06, theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, thành phố Hà Nội được chọn làm điểm nên có thuận lợi là nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Chính phủ. Hiện, Thành phố đang triển khai tốt và không chỉ bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” dữ liệu của gần chục triệu dữ liệu dân cư của Hà Nội mà còn kết nối các dịch vụ công khác như về bảo hiểm xã hội, y tế, khám chữa bệnh, giáo dục, đồng thời, làm sạch dữ liệu liên quan đến lý lịch tư pháp đối với công dân có yếu tố nước ngoài, trẻ em có yếu tố nước ngoài. Trên cơ sở đó phục vụ cho công tác quản lý dân cư tốt. 

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã giúp UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến “Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính thành phố Hà Nội” với hơn 5.000 người tham dự để Thành phố quán triệt chủ trương cải cách hành chính phân cấp, ủy quyền của Thành phố xuống cán bộ cơ sở, đồng thời, đề xuất thời gian tới, Bộ Nội vụ giúp Thành phố triển khai đánh giá thủ tục hành chính của các sở, ngành và cấp huyện để làm thí điểm trong năm 2022 và chính thức vận hành năm 2023. Đây sẽ là động lực để cán bộ, công chức làm tốt hơn, trách nhiệm hơn.  

Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, quan điểm cải cách hành chính của thành phố Hà Nội là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng con người vẫn là mấu chốt trong hệ thống đó.

Nhóm PV/laodong.vn

Tin cùng chuyên mục


Cơ quan chủ quản: LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

Giấy phép số: 215/GP-TTĐT do Cục PTTH&TTĐT - Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 18/11/2020

Cơ quan quản lý & vận hành: Viện Công nghệ và Sức khỏe

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;          Email: hetecvietnam@gmail.com

Chịu trách nhiệm về nội dung/ Chủ tịch hội đồng biên tập: Tiến sĩ Lê Hữu Thi