Email: hetecvietnam@gmail.com - Quảng cáo: Liên Hệ - Hotline: 024 6680 6799
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Sức khoẻ

Y đức người thầy thuốc: Nhìn từ nỗ lực phòng chống đại dịch

02/05/2022
(CN&SK) Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, dù ở bất kể thời đại nào, trong bối cảnh nào chăng nữa, không có nghề nào đòi hỏi vấn đề đạo đức cao như ngành y tế.

 Y đức người thầy thuốc nhìn từ nỗ lực phòng chống đại dịch  - Ảnh 1.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng: Nếu sức khỏe của người dân được chăm sóc, người bệnh được đối xử một cách tử tế, công bằng, văn minh thì điều đó thể hiện một xã hội tốt đẹp - Ảnh: VGP/Hoàng Giang.

'Người thầy thuốc không được biến đau khổ của bệnh nhân thành cơ hội làm giàu'
Nhìn vào nỗ lực phòng dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nhận thấy sự tham gia của cả hệ thống chính trị đã làm cho công cuộc phòng chống dịch của nước ta đạt nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó, dịch COVID-19 được khống chế "tương đối ngoạn mục" và được thế giới đánh giá cao.

Trải qua nhiều dịch bệnh nguy hiểm như đại dịch SARS vào năm 2003 và 2 năm qua là COVID-19, trước những thử thách hết sức to lớn, có thể nói là "sinh tử", thì phần lớn cán bộ ngành y tế đã đứng vững, phát huy vai trò đạo đức y tế xông pha nơi tuyến đầu để cứu bệnh nhân. Nhiều tấm gương đã được các cấp, các ngành, báo chí, truyền thông biểu dương.

"Người bệnh phải chịu sự thiệt thòi, khủng hoảng về tinh thần, lo sinh mạng của bản thân nhưng đồng thời cũng bị khủng hoảng về vật chất vì không biết kiếm tiền ở đâu, hết bao nhiêu tiền để chữa bệnh… Bởi thế, không có nghề nào đòi hỏi vấn đề đạo đức cao như ngành y tế", GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về y đức người thầy thuốc trong bối cảnh hiện nay.

Nhìn lại lịch sử y tế Việt Nam, đại danh y Tuệ Tĩnh đã đúc kết: "Nam dược trị Nam nhân" (có nghĩa là dùng thuốc Việt Nam chữa bệnh cho người Việt Nam). Có thể nói đây là tuyên ngôn của ngành y Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập dân tộc, mang ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.

Sau này, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng dành nhiều tâm huyết dạy người thầy thuốc về đạo đức y tế với 9 điều "Y huấn cách ngôn". Nội dung tuy đơn giản nhưng lại mang tính chất cảnh tỉnh, đơn cử như: Khi người thầy thuốc khám bệnh cho người phụ nữ, tuyệt đối không được khám một mình trong phòng tối; chữa bệnh cho người khỏi bệnh rồi chớ có mưu cầu quà cáp … nghề y là thanh cao, càng phải giữ khí tiết cho trong sạch… Những câu nói mộc mạc nhưng lại là điều rất căn bản trong đạo đức của người thầy thuốc.

Bác Hồ cũng đã dạy thầy thuốc phải thương yêu người bệnh, coi người bệnh như ruột thịt, coi người bệnh đau đớn như mình đau đớn. Tất cả lời dạy của Bác Hồ cũng như các danh y tiền bối đã thể hiện dân tộc ta coi trọng đạo đức y tế từ rất lâu.

Trao cho ngành y tế một vinh dự cũng là trách nhiệm "đặc biệt", cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Ít có nghề nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối vời người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình".

Với xã hội, nếu sức khỏe của người dân được chăm sóc, người bệnh được đối xử một cách tử tế, công bằng, văn minh thì điều đó thể hiện một xã hội tốt đẹp, do đó, có lẽ ngành y với chức năng của nó cũng đang tham gia vào công tác an ninh, ổn định chính trị xã hội.

"Đương nhiên nói như thế không phải chỉ có đạo đức mà người thầy thuốc phải rèn luyện cả về trình độ chuyên môn. Nhưng riêng về đạo đức, không có nghề nào ảnh hưởng đến xã hội bằng nghề y", GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng khẳng định.

Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, đạo đức y tế có 2 điểm chính. Thứ nhất là khi người bệnh cần thì thầy thuốc phải có mặt kịp thời, đúng lúc, nhanh chóng và tận tụy với người bệnh. Thậm chí tận tụy đến mức không quản bất cứ việc gì từ chăm sóc, vệ sinh cho đến điều trị cho bệnh nhân.

Nhưng điều thứ hai rất quan trọng, đó là người thầy thuốc không bao giờ được biến sự đau khổ của người bệnh, khó khăn của họ để thành cơ hội, động cơ làm giàu cho bản thân mình.

"Không thể có chuyện anh phải đưa tiền cho tôi, tôi mới chữa bệnh cho anh… Có lẽ ngành y theo quy luật nhân quả của đạo Phật, nghĩa là người thầy thuốc có đạo đức tốt thì thế nào cũng được đền đáp", nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Cũng theo GS. Phạm Mạnh Hùng, khi công nghệ cao càng phát triển và ngày càng được áp dụng vào y tế thì chúng ta lại càng phải tăng cường giáo dục đạo đức y tế. Không bao giờ được nghĩ rằng khi công nghệ cao phát triển thì những vi phạm về đạo đức y tế của người thầy thuốc sẽ giảm đi. Trong thời đại công nghệ cao 4.0, các vi phạm về đạo đức của người thầy thuốc vẫn có thể  xảy ra nhưng ở mức độ tinh vi hơn, dễ nguỵ biện hơn.

Rút kinh nghiệm trong phòng chống dịch
Đánh giá cao nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế, GS. Phạm Mạnh Hùng cho rằng đó là thời kỳ gian khổ nhất của các y bác sĩ. Nhưng cũng nhờ đó, đến nay, chúng ta đã bước vào thời kỳ mà bệnh COVID-19 có những đặc điểm giống với các bệnh đặc hữu khác.

"Đó là nhờ thành tựu về vaccine. Phải nói rằng chiến dịch vaccine là thành công rất lớn. Đây là sự cố gắng của Nhà nước, ngành y tế Việt Nam. Cho đến nay, chúng ta gần như hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cơ bản và mũi nâng cao cho người dân, tiến đến tiêm vaccine cho trẻ em, bảo đảm được sự miễn dịch trong cộng đồng. Đó là điều rất tốt và chúng ta cần tiếp tục phát huy", GS. Phạm Mạnh Hùng bày tỏ.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã huy động tối đa lực lượng y bác sĩ cho phòng chống dịch. Tuy vậy, trong quá trình này chúng ta cũng phải rút ra một số kinh nghiệm để khắc phục ở trong thời gian tới.

Theo GS. Phạm Mạnh Hùng, phòng chống dịch COVID-19 gồm 5 mặt trận chính. Thứ nhất là phát hiện, cần phải có các chế phẩm sinh học (các kit) để xét nghiệm COVID-19 cho đến việc tổ chức phát hiện, đánh giá kết quả phát hiện.

Thứ hai là tổ chức cách ly. Một nguyên tắc cơ bản trong phòng chống các bệnh lây nhiễm là phải cách ly nguồn lây. Nếu không cách ly được nguồn lây thì không thể nào dập được dịch.

"Tôi cho rằng, trên hai mặt trận này có thời điểm chúng ta còn lúng túng trong việc tổ chức các mạng lưới, phương pháp phát hiện ca nhiễm, quy định cách ly tập trung hay không tập trung và tập trung là thế nào…", GS. Phạm Mạnh Hùng nhận xét.

Thứ ba là điều trị. Phải coi việc điều trị là một giải pháp không những để chữa bệnh mà là giải pháp quan trọng để phòng bệnh, bởi vì có chữa khỏi cho người bệnh thì họ mới không trở thành nguồn lây.

Thứ tư là tiêm vaccine, từ khâu lựa chọn vaccine thích hợp và hữu hiệu, tổ chức tiêm vaccine cho đến cấp cứu khi có những tai biến xảy ra.

Mặt trận thứ năm cực kỳ quan trọng, đó là thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe. Hiểu biết của người dân về  y học còn hạn chế, vì vậy, chúng ta phải tuyên truyền cho nhân dân nắm được sự nguy hiểm của COVID-19 và cách phòng tránh. Nhưng ở đây, có đôi lúc chúng ta làm chưa tốt. Vẫn còn nhiều F0 chủ quan, chưa thấy hết trách nhiệm của mình.

Ngoài ra vấn đề bảo đảm hậu cần, từ cung cấp trang thiết bị, thuốc men và cơ sở hạ tầng vật chất như khu cách ly… cũng có vai trò rất quan trọng.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần coi trọng việc phòng bệnh cá nhân như: Đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người không cần thiết...

Theo GS. Phạm Mạnh Hùng, bây giờ cũng là lúc ngành y tế nên tổ chức các hội nghị chuyên môn, chuyên ngành để rút ra các bài học một cách kịp thời sau từng thời kỳ và phổ biến, thực hiện điều chỉnh sách lược phòng chống COVID-19 cho thích hợp; đồng thời tới đây, phải rút ra những điểm mang tính lý luận về phòng chống COVID-19.

Đặc biệt khi nhắc đến vấn đề tiêm vaccine, vị giáo sư cho rằng, đây không chỉ có nhiệm vụ ngành y tế mà còn là nhiệm vụ của các cơ quan truyền thông, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ.

GS. Phạm Mạnh Hùng nhớ lại, vào năm 1957-1958, ở Hà Nội đã xảy ra dịch bại liệt trẻ em. Đảng, Nhà nước, Bác Hồ, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch bấy giờ đã cử các nhà khoa học là GS. Hoàng Thủy Nguyên và GS. Đặng Đức Trạch sang Nga học tập để chế tạo vaccine phòng chống bại liệt. Nhờ đó, đã mang lại thành công trong việc dập dịch bại liệt ở trẻ em Việt Nam.

Theo GS. Hùng, đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, đã có kháng sinh chữa và cho hiệu quả tốt. Tuy nhiên đối với virus, chúng ta chưa có thuốc để đặc trị virus. Những thuốc dùng trong chữa HIV hay COVID-19 chỉ ngăn cản sự nhân lên của virus chứ không chữa khỏi hẳn bệnh do virus gây ra.

Vaccine phòng COVID-19 đã có nhưng nó có bền vững hay không vẫn phải tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, khi tiêm vaccine, chúng ta đã giúp cơ thể tạo sẵn các thành phần miễn dịch để chống lại khi virus xâm nhập.

Phải thừa nhận tiêm vaccine cũng gây ra một số tai biến, từ nhỏ là sưng tấy tại chỗ cho đến ngứa, đau khớp... và nặng nhất là bị sốc phản vệ, tử vong. Tuy nhiên, tỉ lệ này rất thấp trong những người tiêm vaccine. Tuy nhiên trước vấn đề sinh mệnh của số đông con người, chúng ta phải thực hiện giải pháp tiêm vaccine.

"Bởi vậy các bậc cha mẹ nên hiểu rằng việc tiêm vaccine không những bảo vệ cho con cháu mình mà còn bảo vệ cho xã hội, cộng đồng nói chung. Chúng ta cần ủng hộ việc tiêm vaccine bởi y học đã chứng minh đây là giải pháp hữu ích để phòng dịch, ngoài biện pháp 5K. Do đó, các phụ huynh cần yên tâm và tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế", GS. Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

 

(Nguồn:Chinhphu.vn)

Tin cùng chuyên mục


Cơ quan chủ quản: LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

Giấy phép số: 215/GP-TTĐT do Cục PTTH&TTĐT - Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 18/11/2020

Cơ quan quản lý & vận hành: Viện Công nghệ và Sức khỏe

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;          Email: hetecvietnam@gmail.com

Chịu trách nhiệm về nội dung/ Chủ tịch hội đồng biên tập: Tiến sĩ Lê Hữu Thi