Email: hetecvietnam@gmail.com - Quảng cáo: Liên Hệ - Hotline: 024 6680 6799
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghiên cứu và Trao đổi

Một số vấn đề sức khỏe tâm thần trên bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà

07/09/2021
Hiện Việt Nam đang triển khai chăm sóc F0 đủ điều kiện tại nhà, trong đó có một số vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp cần được quan tâm chăm sóc kịp thời nhằm làm cải thiện nhanh quá trình hồi phục bệnh COVID-19 và hạn chế tối đa các vấn đề sức khỏe tâm thần hậu dịch.

Bệnh COVID-19 gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần trên nhiều nhóm đối tượng bao gồm những bệnh nhân nhiễm COVID-19, những người dân sống trong thời dịch và người chăm sóc bệnh nhân. Do đó, để phân tích sâu hơn về vấn đề này, ThS. BS Lê Thành Tân - Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chia sẻ về "Một số vấn đề sức khỏe tâm thần trên bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà" tại Hội thảo tập huấn chăm sóc F0 tại nhà và phòng chống COVID-19 tại cộng đồng do Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng Đồng Việt Nam phối hợp với Hội Quân dân Y Việt Nam và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức.

Dịch tễ học

Bệnh nhân mắc COVID-19 (nhập viện): Mất ngủ 42%; Suy giảm sự tập trung 38%; Lo âu 36%; Giảm trí nhớ 34%; Khí sắc trầm cảm 33%; Lú lẫn 28%; Thay đổi trạng thái ý thức 21%.

Dân số chung sống trong thời dịch: Lo âu 29% (Trung Quốc); Trầm cảm 9 - 17%; Căng thẳng tâm lý (triệu chứng trầm cảm, tuyệt vọng, lo lắng ...) từ 8 - 36%. Tại Trung Quốc là 8 - 12%, tại Mỹ là 36%; Các triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) 3 - 7%như cơn hồi tưởng, né tránh, tăng kích thích, nhận thức và tâm trạng tiêu cực.

Nhân viên y tế: Lo âu 12 - 20%; Trầm cảm 15 - 25%; Mất ngủ 8%; Các triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) 35 - 49% như cơn hồi tưởng, né tránh, tăng kích thích, nhận thức và tâm trạng tiêu cực.

Sinh bệnh học

Sinh bệnh học của các triệu chứng và rối loạn tâm thần trong lúc dịch COVID-19 có thể bao gồm các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội.

Một số nghiên cứu hồi cứu gợi ý rằng COVID-19 đã ảnh hưởng đến não bộ: 25% BN nhập viện có biểu hiện triệu chứng thần kinh trung ương (choáng váng, nhức đầu, giảm ý thức); Kích động 69%, lú lẫn 65%, suy nhược thần kinh 33% xảy ra ở BN nhập viện. Do xét nghiệm dịch não tủy âm tính với virus, tác giả gợi ý các triệu chứng tâm thần kinh trên có thể do phản ứng viêm, cơn bão cytokines nhiều hơn do virus tấn công não.

Yếu tố tâm lý xã hội: Tiếp xúc với BN F0; Sợ lây cho gia đình; Không được tiếp cận tầm soát và chăm sóc y tế; Giãn cách XH, cách ly, cô đơn; Thông điệp không rõ ràng từ chính quyền: đeo khẩu trang hay không, (giấy đi đường, tin đồn giãn cách ...); Kinh tế bấp bênh; Nguồn lực giảm dần (thức ăn, giấy, PPE...); Truyền thông thường xuyên báo cáo về dịch, số ca mắc, ca tử vong.

Một số vấn đề thường gặp (trên các BN F0 chăm sóc tại nhà)

Rối loạn thích nghi biểu hiện qua lo âu, hoảng loạn, tăng cảnhgiác, trầm cảm, mất ngủ ...; Rối loạn giấc ngủ; Loạn thần mới xuất hiện; Buồn tang tóc khi có người thân mất; Trầm cảm, ý nghĩ tự sát, hành vi tự sát; Lạm dụng chất kích thích.

Cách ứng phó với căng thẳng tinh thần

- Tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức về dịch COVID-19, nhất là trên các mạng xã hội: zalo, Facebook, Youtube, Tik Tok,...

- Chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần của bản thân: Hít thở sâu hoặc thực hành thiền; cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng; tập thể dục thường xuyên, vừa sức, không thức khuya; tránh sử dụng rượu/bia, thuốc lá, ma túy, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích.

- Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể).

- Gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp.

- Tăng cường giao tiếp kết nối với những người khác, tâm sự về những lo lắng.

- Kết nối với các tổ chức cộng đồng hoặc tôn giáo hoặc nhóm diễn đàn xã hội

Rối loạn thích nghi

Rối loạn thích nghi biểu hiện qua lo âu, hoảng loạn, tăng cảnh giác, trầm cảm,mất ngủ...

Xử trí: Nâng đỡ khả năng thích nghi của mỗi cá nhân thông qua tác động tích cực vào nhận thức, cảm xúc và hành vi: Thấu cảm, chia sẻ với BN; Thực hành thiền chánh niệm (nhận biết hơi thở; bưng tô nước thiền hành...) giúp cải thiện tình trạng lo âu, khó ngủ; Kiểm soát các yếu tố kích thích: giới hạn thời gian tiếp xúc thông tin dịch bệnh, hạn chế sử dụng chất kích thích; Tập thể dục, dinh dưỡng đầy đủ, thực hành thư giãn; Lưu ý: kể câu chuyện dễ tác động hơn truyền đạt thông tin.

Thuốc: Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu, thuốc gây ngủ ... (hạn chế và cân nhắc khi cho vì nhiều tương tác thuốc, tác dụng phụ)

Rối loạn giấc ngủ

Trước tiên điều chỉnh các thói quen tốt cho giấc ngủ, trị liệu nhận thức - hành vi; Thất bại có thể dùng thuốc tâm thần đối với rối loạn giấc ngủ trầm cảm, đã ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe tinh thần và thể chất BN; Lưu ý: các thuốc gây ngủ thường có thể gây ức chế hô hấp, tình trạng SpO2 có thể giảm trong lúc ngủ quá sâu nên sử dụng những thuốc gây ngủ có thời gian bán hủy ngắn và khởi đầu liều rất thấp, theo dõi sát.

Loạn thần mới mắc

Chuyển khám chuyên khoa; Trong tình huống hạn chế nguồn lực, bác sĩ đa khoa có thể kê toa thuốc chống loạn thần dựa trên nguyên tắc "khởi đầu liều thấp, tăng liều từ từ" (start low, go slow); Lưu ý: thuốc chống loạn thần tương tác với một số thuốc kháng virus là tăng nồng độ thuốc chống loạn thần, có loại cần khởi đầu liều chỉ 1/6 so với bình thường. Trong cách thuốc chống loạn thần phổ biến ở VN (Clozapine, Olanzapine, Risperidone,Quetiapine, Aripiprazol ...) có Olanzapine là ít gây tương tác vớ icác thuốc chống virus, dễ tìm, giá rẻ. Có thể khởi đầu ở liều 2.5mg/ngày.

Mất người thân

Thông thường khi bị mất người thân, người bệnh sẽ buồn "sinh lý" và một số sẽ tiến triển thành "bệnh lý". Xử lý tình trạng buồn bệnh lý thường được trị liệu tâm lý, nâng đỡ có hoặc không kèm Benzodiazepam để an dịu thần kinh; Lưu ý: Mất người thân trong COVID-19 cần được theo dõi đánh giá khả năng bị PTSD, có những BN mất cả gia đình 5-6 người thì chấn thương tâm lý khá nặng nề => cần được xử lý dự phòng qua theo dõi tâm lý kỹ lưỡng và thuốc SSRI; Benzodiazepam gây ức chế hô hấp, gần như không nên sử dụng khi theo dõi F0 tại nhà.

Trầm cảm, tự sát

Hỏi BN về suy nghĩ đến cái chết, hoặc ý muốn tự sát; Tầm soát Trầm cảm; Xử trí: Chuyển chuyên khoa ngay nếu có ý nghĩ tự sát, hành vi tự sát. Điều trị trầm cảm bằng tâm lý trị liệu, thuốc chống trầm cảm; Lưu ý: Thuốc chống trầm cảm trên F0 nên sử dụng SSRI (escitalopram, sertraline ...) liều thấp khởi đầu do ít tác dụng phụ nguy hiểm, ít gây tương tác thuốc.

Một số kinh nghiệm

Thế giới: Xử trí các vấn đề sức khỏe tâm thần trên F0 như trầm cảm, lo âu, mất ngủ, rối loạn thích nghi, PTSD ... có thể theo từng nấc thang điều trị để cân bằng giữ hiệu quả - hiệu năng (nguồn lực). Nhóm mức độ nhẹ có thể xử trí bằng cách gửi các tài liệu self-help (tự hỗ trợ), khi nào cần thì BN có thể liên lạc BS; Nhóm mức độ trung bình nặng thì được điều trị bởi Bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nên triển khai khám từ xa qua điện thoại có hình để an toàn.

Tổ y tế từ xa: Sinh viên Y5, Y6 khám, xử lý các vấn đề như mất ngủ, căng thẳng, lo âu bằng cách gửi các hướng dẫn được chuẩn bị sẵn như clip, đoạn văn hướng dẫn thiền ...; Khi tình trạng không cải thiện, mời bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ tâm thần hội chẩn qua Group zalo Hội chẩn tâm thần. Bác sĩ tâm thần khám trực tiếp cho BN khi được sinh viên thêm vào nhóm zalo khám bệnh; Thực tế khi quá tải, BV không thể nhận thêm bệnh, các vấn đề sức khỏe tâm thần của F0 theo dõi tại nhà thường phức tạp hơn, nặng nề hơn kèm theo khó khăn trong việc mua thuốc trong lúc giãn cách nên chuẩn bị ekip điều trị có bác sĩ có kỹ năng quản lý vấn đề tâm thần, chuẩn bị sẵn trước một số thuốc thường sử dụng, hoặc địa chỉ nhà thuốc chuyên bán thuốc tâm thần.

Theo Thu Trang/Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng

https://suckhoecongdongonline.vn/mot-so-van-de-suc-khoe-tam-than-tren-benh-nhan-f0-theo-doi-tai-nha-d229063.html

Tin cùng chuyên mục


Cơ quan chủ quản: LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

Giấy phép số: 215/GP-TTĐT do Cục PTTH&TTĐT - Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 18/11/2020

Cơ quan quản lý & vận hành: Viện Công nghệ và Sức khỏe

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;          Email: hetecvietnam@gmail.com

Chịu trách nhiệm về nội dung/ Chủ tịch hội đồng biên tập: Tiến sĩ Lê Hữu Thi