Email: hetecvietnam@gmail.com - Quảng cáo: Liên Hệ - Hotline: 024 6680 6799
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghiên cứu và Trao đổi

Duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu trong bối cảnh đại dịch COVID-19

27/09/2021
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dịch vụ y tế là một trong những mắt xích quan trọng không thể thiếu tại các cơ sở khám chữa bệnh và các dịch vụ này cần duy trì xuyên suốt khi thăm khám bệnh nhân gồm qui trình chăm sóc an toàn; xác định các lĩnh vực dịch vụ ưu tiên, phù hợp tình hình dịch; chuẩn bị nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị thiết yếu,...

Tại Hội thảo tập huấn "Chăm sóc người cao tuổi và người yếu thế trong đại dịch COVID-19" do Hội Quân dân Y Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức, bà Nguyễn Thị Kim Phương - Cán bộ kỹ thuật, Hệ thống y tế/Tài chính y tế, Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam đã có những chia sẻ về "Duy trì cung ứng các dịch vụ y tế thiết yếu trong bối cảnh dịch COVID-19".

Các thách thức chính của đại dịch COVID-19

Tăng bệnh nhân COVID nhập viện, gây quá tải lên hệ thống; Nguồn lực vốn đã hạn chế được huy động cho bệnh nhân COVID; Các bệnh nhân khác không dám hoặc trì hoãn đi KCB vì sợ lây nhiễm, hoặc không dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế họ cần, khi mà nguồn lực hạn chế (bao gồm cả nhân viên y tế) được tập trung cho phòng chống COVID; Các dịch vụ y tế thông thường gần như bị đứt gãy (bài học từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt từ các nước thu nhập thấp và trung bình); Các nhóm dân số và bệnh nhân dễ bị tổn thương (HIV, TB, người bệnh mãn tính, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em...) bị ảnh hưởng nhiều. Những điều này dẫn đến tăng tử vong ở cả bệnh nhân COVID và không COVID.

Các bài học rút ra trên thế giới về phòng chống đại dịch COVID cho đến nay

Nhiều quốc gia đã trải qua giai đoạn đau thương, mất mát, và đang có những bước phục hồi tự tin, mạnh mẽ, với những nguyên tắc vàng: Bao phủ vaccine COVID phổ cập toàn dân; Áp dụng triệt để các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân, toàn xã hội; Chuẩn bị tốt hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, nhấn mạnh hệ thống y tế công cộng và KCB ban đầu (YTCS). Những quốc gia có hệ thống y tế yếu, đặc biệt là hệ thống KCB ban đầu (chủ yếu các nước thu nhập thấp vàtrung bình), COVID và các đại dịch trong tương lai làmột thách thức to lớn.

Vấn đề hiện nay của chúng ta

Việc chống dịch là lâu dài, kể cả khi đã bao phủ toàn dân về vaccine COVID; Hệ thống y tế phải làm tốt 2 việc: chăm sóc tốt bệnh nhân COVID; đảm bảo duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu khác, đặc biệt là chăm sóc nhóm dân số dễ bị tổn thương, yếu thế.

Trước mắt: chuẩn bị kỹ, tăng cường hệ thống y tế địa phương, nhấn mạnh YTCS – để “sống chung” và “vượt qua vi rút”. Lâu dài: Tái trọng tâm, tái đầu tư, tái cấu trúc hệ thống y tế, để ứng phó tốt với các đại dịch trong tương lai.

Các dịch vụ y tế thiết yếu

Là các dịch vụ hay các can thiệp y tế (bao gồm phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng, và chăm sóc giảm nhẹ), giải quyết phần lớn các gánh nặng bệnh tật cơ bản, trên cơ sở bằng chứng về chi phí hiệu quả, công bằng và sự chú trọng các nhóm yếu thế”.

Các nhóm bệnh chính và thiết yếu: Dinh dưỡng, bệnh không lây (mãn tính) và sức khỏe tâm thần; Dinh dưỡng; Bệnh huyết áp/tim mạch; Tiểu đường; Ung thư; COPD; Sức khỏe tâm thần; Bệnh lây nhiễm; EPI/Tiêm chủng; HIV và viêm gan; Lao; Sốt rét. Theo vòng đời; Bà mẹ mang thai; trẻ em; Trẻ vị thành niên; Người cao tuổi.

Duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu trong đại dịch COVID: 6 chiến lược hành động

Điều chỉnh cơ chế điều hành, quản lý, hỗ trợ, theo dõi; Xác định các lĩnh vực dịch vụ ưu tiên, phù hợp tình hình dịch; Thiết lập qui trình chăm sóc an toàn; Tối ưu hóa mô hình cung ứng dịch vụ; Chuẩn bị nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị thiết yếu; Chuẩn bị tài chính công, xóa bỏ rào cản tài chính trong tiếp cận dịch vụ.

Điều chỉnh cơ chế quản lý, điều hành, hỗ trợ, theo dõi

Phân công người chuyên trách về cung ứng các dịch vụ y tế thiết yếu trong ban điều hành chống dịch của ngành y tế ở tất cả các cấp - Bộ, Sở, Huyện, ở các tỉnh/thành. Nếu bệnh viện tách đôi, mỗi bộ phận có một người chuyên trách; Xây dựng và điều chỉnh qui trình cung ứng, các hướng dẫn chuyên môn, phù hợp diễn biến của dịch, phổ biến, tập huấn; Xây dựng phương án điều chỉnh nguồn lực (nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế,...) theo tình huống dịch; Tiếp tục duy trì các công cụ theo dõi tình hình thực hiện các dịch vu y tế cơ bản; Điều phối với các cơ quan tài chính, BHYT, để đảm bảo nguồn tài chính cho các dịch vụ y tế thiết yếu.

Xác định các lĩnh vực dịch vụ ưu tiên, phù hợp với tình hình dịch COVID-19

Phòng và điều trị cơ bản cho các bệnh truyền nhiễm hiện lưu hành và có thể thành dịch (sốt xuất huyết, tay chân miệng...), bao gồm cả chương trình tiêm chủng mở rộng, và các bệnh quan trọng như HIV, TB, sốt rét, SKSS; Duy trì các dịch vụ liên quan đến chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh; Các dịch vụ cơ bản cho các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ em; Cung cấp đủ thuốc và vật tư cho điều trị các bệnh không lây nhiễm (huyết áp, tiểu đường, ung thư) bao gồm cả chăm sóc sức khỏe tâm thần; Đảm bảo các dịch vụ cấp cứu và điều trị bệnh nhân nặng; Đảm bảo các dịch vụ cận lâm sàng như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, ngân hàng máu.

Thiết lập chu trình chăm sóc an toàn

Thông tin cho người dân các thủ tục phòng lây nhiễm kể từkhi ra khỏi nhà và đến cơ sở y tế; Thiết lập qui trình khám sàng lọc, phân loại, phân luồng bệnh nhân, đảm bảo nguyên tắc chống lây nhiễm; Đảm bảo cung cấp đủ phương tiện phòng lây nhiễm cho bệnh nhân sử dụng, cũng như phương tiện bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế; Các cơ sở y tế được cập nhật thông tin về phân cấp, phân tầng điều trị để chủ động chuyển tuyến đúng địa chỉ, an toàn.

Chu trình chăm sóc bệnh nhân an toàn, tối ưu trong sử dụng nguồn lực

CSYT sẵn sàng cho một chutrình chăm sóc an toàn, bắt đầu từ tư vấn/hướng dẫn bệnh nhân qua điện thoại, đến tiếp nhận bệnh nhân từ cổng, sàng lọc, phân loại, phân luồng, chuyển tuyến, đảm bảo qui tắc phòng chống nhiễm khuẩn.

Tối ưu hóa mô hình cung ứng dịch vụ

Mô hình cung cấp dịch vụ cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh; Củng cố tuyến y tế cơ sở (xã và huyện) để dịch chuyển việc cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản về tuyến cơ sở; Áp dụng cách cung cấp dịch vụ mới phù hợp giãn cách xã hội (đặt lịch hẹn khám qua điện thoại, sử dụng telemedicine trong cung cấp dịch vụ, giao thuốc tại nhà, chăm sóc lồng ghép, rà soát tiêu chí nhập viện và ra viện để giảm thời gian nằm viện...), và thông báo cho người dân về các thay đổi này; Hướng dẫn người dân tự chăm sóc sức khỏe tại nhà, có hỗ trợ của bác sĩ từ xa hoặc các đội y tế lưu động.

Chuẩn bị nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị thiết yếu

Phân bổ lại, chi viện nhân viên y tế cho những vùng có nhucầu cao. Vận động sự tham gia của các lực lượng bổ sung; y tế tư; Cân nhắc tổ chức đào tạo nhanh tại chỗ, đào tạo từ xa những kỹ thuật cơ bản cho nhân viên y tế chưa đủ kỹ năng để cung cấp cho ngành; Kiểm kê, điều chỉnh danh mục thuốc, thiết bị thiết yếu, báo cáo cấp trên hàng tuần để đáp ứng kịp thời nhu cầu thay đổi; Điều chỉnh qui trình thông tin, phê duyệt, mua sắm, ví dụ phê duyệt online, sử dụng ứng dụng trên mobile, nhằm giảm thiểu đi lại, tiếp xúc.

Chuẩn bị tài chính công, xóa bỏ rào cản tài chính trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu cơ bản

Lập ngân sách y tế, có tính đến các chi tiêu bất thường do dịch, chi phí cho nhân viên y tế làm thêm giờ, cũng như các chi phí cho việc điều chỉnh mô hình và cách cung cấp dịch vụ; Áp dụng cơ chế chi tiêu linh hoạt bao gồm chuyển dịch các nguồn tiền phù hợp giữa các cấp, bao gồm cả các nguồn thu từ các nhà tài trợ, đi cùng với cơ chế giám sát, giải trình; Xem xét miễn đồng chi trả cho các dịch vụ y tế thiết yếu trong đại dịch, lập ngân sách để bao phủ phần này; Điều chỉnh kịp thời phương thức chi trả, mức chi trả, chính sách chi trả BHYT, để đảm bảo dòng tiền vào cơ sở y tế và duy trì dịch vụ; trả cho hướng dẫn/KCB từ xa; thăm khám, chăm sóc tại nhà; miễn đồng chi trả cho bệnh nhân,...

Các lưu ý khác

Từng bệnh cụ thể, từ nhóm bệnh nhân, dân cư cụ thể, sẽ cần những điều chỉnh riêng, về qui trình chuyên môn và mô hình cung ứng dịch vụ. Các chuyên gia, cán bộ chương trình sẽ đưa ra các phương án cụ thể, tập huấn, phổ biến, xuống tận hệ thống YTCS và từng nhân viên y tế; Áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong cung ứng dịch vụ, theo dõi hỗ trợ bệnh nhân, đánh giá hiệu quả chương trình, là điều cần phải làm ngay. Đào tạo on-line, hỗ trợ chuyên môn on-line; sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử, theo dõi tư vấn bệnh nhân từ xa, quản lý dự báo nhu cầu thuốc, vật tư, thiết bị,... là những giải pháp giúp giảm chi phí trong khi tăng hiệu quả hoạt động, đặc biệt trong cung ứng các dịch vụ y tế thiết yếu ở toàn hệ thống.

Các thông điệp chính

Để “sống chung” và “kiểm soát” được COVID, chúng ta cần hạn chế sự lây lan, hạn chế bệnh nhân nhập viện ở mức mà hệ thống y tế có thể chịu đựng được. Việc này chỉ làm được nếu có một hệ thống chăm sóc ban đầu tốt; Các cú sốc là khó tránh khỏi, để tăng khả năng chống chọi, giảm thiểu thiệt hại, hệ thống cung ứng dịch vụ y tế cần được chuẩn bị kỹ càng, kể cả tái cấu trúc, để đáp ứng được chăm sóc bệnh nhân COVID đồng thời vẫn duy trì được các dịch vụ chăm sóc thiết yếu cho bệnh nhân không COVID, đặc biệt nhóm dân số dễ bị tổn thương; Vai trò của YTCS là nền tảng. Tái trọng tâm, tái đầu tư vào hệ thống YTCS, là việc cần làm cho hôm nay và chuẩn bị để ứng phó các đại dịch trong tương lai; Đảm bảo được sức khỏe là đảm bảo được phát triển kinh tế.

Theo Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng

Tin cùng chuyên mục


Cơ quan chủ quản: LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

Giấy phép số: 215/GP-TTĐT do Cục PTTH&TTĐT - Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 18/11/2020

Cơ quan quản lý & vận hành: Viện Công nghệ và Sức khỏe

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;          Email: hetecvietnam@gmail.com

Chịu trách nhiệm về nội dung/ Chủ tịch hội đồng biên tập: Tiến sĩ Lê Hữu Thi