Email: hetecvietnam@gmail.com - Quảng cáo: Liên Hệ - Hotline: 024 6680 6799
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghiên cứu và Trao đổi

Đề xuất của chuyên gia để ngành y tế thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19

24/10/2021
Tại buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 18/10, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội đã đề xuất một số vấn đề nhằm thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.

BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ, "theo sự phân công của Bộ Y tế, tôi được cử tham gia Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương, nơi có rất nhiều khu công nghiệp với tỷ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số. Khi dịch bùng phát, số lượng ca mắc trong cộng đồng tại Bình Dương tăng nhanh, những ngày đầu trung bình 300-400 ca bệnh mới, sau đó có lúc lên tới 5.000-6.000 ca mỗi ngày. Số ca chuyển nặng cũng ngày càng tăng, trong khi chỉ có bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị tầng 3 chỉ có 30 giường thở máy. Số bệnh nhân chưa tiêm vaccine tăng cao, đặc biệt là nhóm phụ nữ có thai. Do đó, việc kiểm soát dịch bệnh và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 gặp nhiều khó khăn". Do đó, BS Nguyễn Lân Hiếu đưa ra các đề xuất như sau:

Ảnh minh họa

1. Xoá bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường xã. Người nhiễm COVID-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp. Nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) có thể cách ly cả thôn hay xí nghiệp ấy. Đưa y tế vào bên trong để chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị. Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả các địa phương tỷ lệ tiêm chủng cao như TPHCM, Bình Dương, Hà Nội ...

2. Tách đôi bệnh viện với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm COVID-19. Xác định bằng test nhanh sàng lọc. Người nghi nhiễm cần khẳng định bằng PCR ở vùng đệm. Nếu chắc chắn âm tính sẽ đưa vào khu điều trị thông thường. Xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu đại diện cần làm thường xuyên cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà của họ nhằm tránh bỏ sót các ổ dịch trong bệnh viện.

3. Khu điều trị COVID-19 nên chia làm 3: Hồi sức cấp cứu, Điều trị bệnh mức độ vừa và khu hậu COVID-19. Ngay khi các ca đã có xét nghiệm âm tính cần chuyển ngay sang tầng hậu COVID-19 để chăm sóc điều trị như bệnh nhân thông thường. Khu điều trị cần đảm bảo có đầy đủ oxy hoá lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư và nhân lực. Đây là việc cần làm lâu dài không chỉ dưới hình thức tạm bợ, dã chiến. Bộ máy nhân sự cần được chính thức bổ nhiệm, chế độ lương thưởng rõ ràng. Thuốc và vật tư, trang thiết bị, chi phí điều trị cũng vậy, cần danh sách cụ thể, mua sắm, cơ chế chi trả rõ ràng tường minh để nhân viên y tế yên tâm làm việc.

4. Cần đưa y tế tư nhân vào cuộc. Cho phép bệnh viện tư thu phí dịch vụ như TPHCM đã triển khai. Quản lý người nhiễm theo các bác sĩ phòng mạch. Thành lập các chuyên khoa như COVID sản khoa, nhi khoa, lão khoa ... để y tế tư nhân phát triển tạo thương hiệu của chính mình. Bệnh viện Hạnh phúc đã có đề án thành lập khoa Sản COVID-19 cho các bà bầu không may bị nhiễm bệnh. Nhà nước nên hỗ trợ một phần thuốc và vật tư y tế cũng như thông thoáng về chính sách để y tế tư thực sự nắm vai trò quan trọng trong giai đoạn sau đại dịch.

5. Rà soát việc tiêm vaccine. Sẵn sàng có kế hoạch tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi khi được hướng dẫn. Tiêm cho các công nhân, người lao động phổ thông nếu đến sống, làm việc tại Bình Dương.

6. Tổ chức lại khu nhà ở cho công nhân và người lao động nhập cư. Nên sắp xếp cho những người làm cùng bộ phận được ở cùng nhau. Khi phát hiện ca dương tính, chính quyền hỗ trợ cho khu nhà trọ để người nhiễm có thể ở riêng biệt, cách ly. Khuyến khích tự test để phát hiện sớm, bảo đảm sức khỏe của mình và cộng đồng.

7. Không sợ COVID-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Nếu tỷ lệ tử vong trong số người đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ. Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi.

Sau những ngày vừa qua, theo tôi bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Trước đây chúng ta chú trọng phát triển các kỹ thuật cao ở bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh. Tuy nhiê,n trong đại dịch mới thấy hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện còn một số bất cập, cụ thể là nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men. Trong thời gian tới, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập. Các nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống và làm việc sẽ rất khó tập trung vào nâng cao tay nghề.

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Các giải pháp ứng phó khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng trong trạng thái thích ứng an toàn có nhiều điểm kế thừa các giai đoạn chống dịch trước đây, đồng thời bổ sung một số điểm mới.

- Nguyên tắc ứng xử với người nhiễm COVID-19 phải phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị từng nơi; đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt và nguyện vọng của người nhiễm. Theo tôi nguyện vọng, sự hợp tác và hoàn cảnh cụ thể của từng F0 sẽ là yếu tố quyết định giúp người nhiễm bảo toàn sức khỏe của mình và tránh lây lan ra cộng đồng.

- Cần sớm phân loại người nhiễm có triệu chứng nhẹ, không có triệu chứng hoặc đã tiêm vaccine và ưu tiên cho họ cách ly, điều trị tại nhà. F0 triệu chứng nặng mới cần đưa vào bệnh viện. Bởi theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và ngay tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... khi đã tiêm vaccine, tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong sẽ ít hơn nhiều so với người không tiêm vaccine.

- Thay đổi cách khoanh vùng cách ly chính là chìa khoa thay đổi cách phòng, chống dịch. Theo tôi, cách ly khoanh vùng nhỏ nhất là chiến lược hoàn toàn đúng đắn của chính phủ.

Dùng khoa học và thực tiễn địa phương, quốc gia để tồn tại và phát triển với sự hiện diện của COVID-19 là hướng đi không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới ngày mai.

Theo Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng

Tin cùng chuyên mục


Cơ quan chủ quản: LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

Giấy phép số: 215/GP-TTĐT do Cục PTTH&TTĐT - Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 18/11/2020

Cơ quan quản lý & vận hành: Viện Công nghệ và Sức khỏe

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;          Email: hetecvietnam@gmail.com

Chịu trách nhiệm về nội dung/ Chủ tịch hội đồng biên tập: Tiến sĩ Lê Hữu Thi