Email: hetecvietnam@gmail.com - Quảng cáo: Liên Hệ - Hotline: 024 6680 6799
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Môi trường

Không để tàu thuyền trên biển trong vùng nguy hiểm

25/10/2021

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ứng phó với mưa lớn và áp thấp nhiệt đới sáng 25/10.

Trước những diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ thời gian qua và không để tàu thuyền trên biển hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão.

Mưa lớn mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai về các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ sáng 25/10, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ vĩ bắc; 114,5 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 110 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ vĩ bắc; 111,3 độ kinh đông, cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trưởng ca trực Phòng, chống thiên tai ngày 24/10 báo cáo tại cuộc họp sáng 25/10.

Cảnh báo, trên khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-5m, biển động rất mạnh.

Cũng theo ông Lâm, đây là cơn bão di chuyển nhanh và suy yếu nhanh, mưa do bão cũng kết thúc nhanh, dự kiến trong ngày 28/10 sẽ kết thúc mưa. Dự báo, mưa trọng tâm từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với lượng mưa phổ biến từ 100-300m. Sau đó, mưa sẽ dịch dần lên phía bắc, trọng tâm từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế với lượng mưa từ ngày 27-30/10, từ 200-350mm, có nơi hơn 400mm.

“Ngập lụt tại Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn là vấn đề cần lưu tâm. Đồng thời, cảnh báo sạt lở, lũ quét ở trung và Nam Trung Bộ”, ông Lâm cũng nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện vẫn còn khoảng 194 tàu đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Khu vực từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi diễn ra nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản ven bờ cần theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới.

Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, gần 50 nghìn phương tiện với hơn 261.000 người đã được thông tin biết vị trí và hướng di chuyển để chủ động phòng tránh. Cùng với hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, hiện có hơn 3.200 cán bộ chiến sĩ và 270 phương tiện các loại ứng trực để xử lý các tình huống xấu xảy ra.

Kiểm tra toàn bộ khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi thông tin, kịp thời về diễn biến của cơn bão. Do đây là công tác liên quan trực tiếp đến việc chỉ đạo, điều hành sản xuất trên biển và đất liền.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải tăng cường thông tin trên đài duyên hải để bà con biết vị trí nguy hiểm để trú tránh kịp thời. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản căn cứ tình hình thức tiễn để thông tin cho bà con. Lực lượng biên phòng tăng cường bắn pháo hiệu để không chỉ cảnh báo cho tàu thuyền trên biển mà còn ở ven bờ để nâng cao ý thức phòng chống bão của bà con.

Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai về ứng phó với mưa lớn và áp thấp nhiệt đới sáng 25/10.

Ở trên đất liền, không chỉ chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua mà còn chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ sắp tới, do đó, ông Hoài đề nghị cần bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực ngập lụt. Ngoài ra, kiểm soát hệ thống giao thông, không chỉ ở quốc lộ mà còn ở các tuyến tỉnh lộ và huyện lộ. Về vấn đề này, cần có sự tham mưu để ngành giao thông có công điện chỉ đạo sâu sát, cụ thể. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cần phối hợp để hướng dẫn và phân luồng giao thông.

Ông Hoài nhấn mạnh, hiện nay, đất đã bão hòa nước, do vậy, cần kiểm tra toàn bộ khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở để kịp thời sơ tán. Ông Hoài cũng đề nghị dừng tất cả các công trình đang thi công, nhất là việc thi công các nhà máy thủy điện, điện gió… chỉ trừ các bộ phận đang sửa chữa, khắc phục sạt lở đất ở ngành giao thông.

Ngoài ra, ông Hoài yêu cầu với các hồ thủy điện, phải theo dõi chặt chẽ, đề nghị Bộ Công thương vận hành đúng quy trình. Khi vận hành xả lũ phải có thông tin kịp thời cho hạ du để bà con sơ tán kịp thời. Kiểm tra hệ thống thông tin ở hạ du của những hồ chứa lớn do Bộ Công thương và EVN quản lý.

Theo Báo Chính phủ

https://nhandan.vn/moi-truong/khong-de-tau-thuyen-tren-bien-trong-vung-nguy-hiem-671007/

Tin cùng chuyên mục


Cơ quan chủ quản: LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

Giấy phép số: 215/GP-TTĐT do Cục PTTH&TTĐT - Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 18/11/2020

Cơ quan quản lý & vận hành: Viện Công nghệ và Sức khỏe

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;          Email: hetecvietnam@gmail.com

Chịu trách nhiệm về nội dung/ Chủ tịch hội đồng biên tập: Tiến sĩ Lê Hữu Thi