Email: hetecvietnam@gmail.com - Quảng cáo: Liên Hệ - Hotline: 024 6680 6799
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Môi trường

Băng vĩnh cửu tan chảy đe dọa gây hư hại 50% cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực

13/01/2022
Các nhà khoa học ngày 11/1 đưa ra cảnh báo khoảng 50% cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực có nguy cơ bị hư hại vào năm 2050 do lớp băng vĩnh cửu ở khu vực này đang tan chảy nhanh chóng, đòi hỏi hàng chục tỷ USD cho công tác bảo trì và sửa chữa.

Một tòa nhà công nghiệp ở Cộng hòa Sakha (Yakutia), LB Nga bị phá hủy khi lớp băng vĩnh cửu dưới móng tòa nhà tan chảy. (Ảnh: Reuters)

Theo bản đánh giá nghiên cứu khoa học đăng tải trên tạp chí “Nature Reviews Earth & Environment”, lớp băng vĩnh cửu trên Trái đất đang ấm dần lên ở mức trung bình 0,3-1oC mỗi thập kỷ kể từ những năm 1980. Trong đó, một số nơi ở khu vực Bắc Cực cao (High Artic) ghi nhận nền nhiệt tăng hơn 3oC trong 40 năm qua.

Theo các nhà khoa học, mức tăng nhiệt này đủ làm tan chảy một phần lớn của tầng đất đóng băng vĩnh cửu. Thực tế, các cơ sở hạ tầng như đường sá, công trình xây dựng ở khu vực Alaska, phía Bắc của nước Nga và Canada đang có dấu hiệu bị rạn nứt.

Ông Dmitry Streletskiy, nhà địa lý học thuộc Đại học George Washington (Mỹ) và đồng tác giả của nghiên cứu trên, nhấn mạnh các công trình xây dựng trên vùng đất băng vĩnh cửu đang “gặp phiền toái”. Tuy nhiên, ông cho rằng không giống như một trận động đất, quá trình ảnh hưởng diễn ra tương đối chậm, nhờ đó mà con người vẫn có đủ thời gian để giảm thiểu một phần thiệt hại có thể xảy ra.

Các nhà khoa học nhận định xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Phân tích hình ảnh vệ tinh, các nhà khoa học ước tính ít nhất 120 nghìn tòa nhà, 40 nghìn km đường sá, và 9.500 km đường ống có thể bị hư hại, đáng chú ý là một số đường cao tốc của Canada, Hệ thống đường ống xuyên Alaska, và các thành phố Vorkuta, Yakutsk và Norilsk của Nga.

Tuy nhiên, hoạt động xây dựng của con người hiện vẫn đang tiếp diễn ở Bắc Cực. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy số lượng cơ sở hạ tầng dọc bờ biển khu vực này đã tăng 15% (tương đương 180 km2) kể từ năm 2000 đến nay, chủ yếu liên quan đến ngành công nghiệp dầu khí (70%).

Trong quá trình thi công các công trình trên vùng đất băng vĩnh cửu, các nhà thầu đã áp dụng nhiều công nghệ có chi phí cao như đặt các đường ống tản nhiệt dọc theo tuyến đường và phần móng để bảo đảm sự ổn định của lớp băng vĩnh cửu.

Ước tính chi phí bảo trì, bảo dưỡng các hạ tầng chính có thể tăng thêm 15,5 tỷ USD đến giữa thế kỷ, tuy nhiên, điều này được cho là vẫn không thể ngăn được thiệt hại dự báo có thể lên đến 21,6 tỷ USD.

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã và đang tập trung vào việc theo dõi lượng carbon tích trữ trong lớp băng vĩnh cửu. Họ quan ngại rằng sự tan chảy của lớp băng này sẽ khiến một lượng khí nhà kính khổng lồ (CO2 và methane) thoát ra bầu khí quyển và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo Nhân dân

https://nhandan.vn/moi-truong/bang-vinh-cuu-tan-chay-de-doa-gay-hu-hai-50-co-so-ha-tang-o-bac-cuc-682016/

Tin cùng chuyên mục


Cơ quan chủ quản: LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

Giấy phép số: 215/GP-TTĐT do Cục PTTH&TTĐT - Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 18/11/2020

Cơ quan quản lý & vận hành: Viện Công nghệ và Sức khỏe

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;          Email: hetecvietnam@gmail.com

Chịu trách nhiệm về nội dung/ Chủ tịch hội đồng biên tập: Tiến sĩ Lê Hữu Thi